Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ “Quốc tộ” của thiền sư Đỗ Pháp Thuận.
Bài làm
Theo “Thiền uyển tập anh”, vua Lê Đại Hành hỏi thiền sư Pháp Thuận rằng: “Vận nước ngắn dài thế nào?”. Vị thiền sư đã trả lời bằng một bài thơ có tên là “Quốc tộ”.
“Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lí thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh”
“Quốc tộ” được hiểu là vận mệnh của đất nước. Nhà sư đã so sánh vận mệnh của nước ta lúc bấy giờ như dây mây leo quấn quýt. Điều ấy thể hiện vận nước phát triển lâu dài và hưng thịnh nhưng cũng có nghĩa là vận nước đang được đặt trong nhiều mối quan hệ với chính trị, văn hóa, quân sự, kinh tế, đối nội, đối ngoại,…Và nhà vua cần phải giải quyết các mối quan hệ đó một cách hài hòa, hợp lí thì đất nước mới hưng thịnh và phát triển lâu dài.
Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ “Quốc tộ” của thiền sư Đỗ Pháp Thuận
Sau khi vua Lê Đại Hành lên ngôi đã tiến hành cuộc chống giặc Tống xâm lược giành thắng lợi, đất nước bước vào thời kí thái bình, ổn định. Đó là ước vọng, khát khao của nhân dân về một cuộc sống no ấm, đầy đủ. Ở cõi trời Nam đã mở ra cảnh thái bình, mơ ước của nhân dân về một cuộc sống yên bình nay đã được thực hiện. Hòa bình có nghĩa là lao động, xây dựng và phát triển đất nước với tư tưởng lấy dân làm gốc. Dẹp được giặc ngoại xâm là chúng ta đã loại bỏ được thế lực đe dọa đến đất nước và nhà vua có thời gian tập trung chăm lo cho đời sống nhân dân.
Xem thêm: Phân tích bài thơ “Quốc tộ” của thiền sư Đỗ Pháp Thuận
Tư tưởng mà vị thiền sư muốn gửi đến nhà vua là tư tưởng lấy dân làm gốc. Dân là gốc rễ, là cơ sở để nhà vua gây dựng nên một đất nước thịnh trị.
“Vô vi trên điện các
Chốn chốn dứt đao binh”
Để có được sự phát triển như vậy thì nhà vua phải dùng đức, dùng tài của mình để làm cho dân cảm phục và tin theo. “Vô vi” nghĩa là không làm việc gì trái đạo đức, trái tự nhiên. Có như vậy thì mới lấy được lòng dân, được dân kính trọng. Hơn nữa, việc chăm lo cho đời sống nhân dân, phát triển đất nước là bổn phận và trách nhiệm của một vị vua anh minh. Nếu là vua mà không chăm lo đời sống nhân dân, để nhân dân sống trong lầm than, khổ cực thì nhân dân sẽ phẫn uất mà vùng dậy khởi nghĩa, đất nước cũng không được thái bình. Nhân dân không bao giờ muốn điều đó xảy ra và nhân dân luôn ước mong được sống cuộc sống ấm ho, hạnh phúc hưởng thái bình.
Bài thơ đã thể hiện một tầm nhìn xa trông rộng, một sự am hiểu lòng dân sâu sắc. Đồng thời cũng thể hiện tấm lòng yêu nước thương dân của thiền sư Pháp Thuận. Dù đã ra đời cách chúng ta gần 1000 năm nhưng bài thơ vẫn còn vẹn nguyên giá trị.